Vinaora Nivo Slider 3.x

Thế nào là sản xuất sản phẩm phần mềm - dịch vụ phần mềm ?

28-10-2016
Thanh Nam Tax
Luật đầu tư 2014
7388

Trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có đề cập về việc miễn, giảm thuế đối với sản xuất sản phẩm phần mềm. ThanhNamTax tóm tắt định nghĩa thế nào là sản phẩm phần mềm - dịch vụ phần mềm qua bài viết  sau.

Hoạt động công nghiệp phần mềm Hoạt động công nghiệp phần mềm là hoạt động thiết kế, sản xuất và cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm, bao gồm sản xuất phần mềm đóng gói; sản xuất phần mềm theo đơn đặt hàng; sản xuất phần mềm nhúng; hoạt động gia công phần mềm và hoạt động cung cấp, thực hiện các dịch vụ phần mềm.

Các loại sản phẩm phần mềm bao gồm:

a) Phần mềm hệ thống;

b) Phần mềm ứng dụng;

c) Phần mềm tiện ích;

d) Phần mềm công cụ,

đ) Các phần mềm khác.

Các loại dịch vụ phần mềm bao gồm:

a) Dịch vụ quản trị, bảo hành, bảo trì hoạt động của phần mềm và hệ thống thông tin;

b) Dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất lượng phần mềm;

e) Dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm;

d) Dịch vụ tư vấn định giá phần mềm;

đ) Dịch vụ chuyển giao công nghệ phần mềm;

e) Dịch vụ tích hợp hệ thống;

g) Dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho sản phẩm phần mềm, hệ thống thông tin;

h) Dịch vụ phân phối, cung ứng sản phẩm phần mềm;

i) Các dịch vụ phần mềm khác.  

Giải thích các thuật ngữ trên:

  1. Sản phẩm phần mềm là phần mềm và tài liệu kèm theo được sản xuất và được thể hiện hay lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác khai thác, sử dụng.
  2. Phần mềm hệ thống là phần mềm dùng để tổ chức và duy trì hoạt động của một hệ thống hoặc một thiết bị số (sau đây gọi chung là thiết bị số). Phần mềm hệ thống có thể tạo môi trường cho các phần mềm ứng dụng làm việc trên đó và luôn ở trạng thái làm việc khi thiết bị số hoạt động.
  3. Phần mềm ứng dụng là phần mềm được phát triển và cài đặt trên một môi trường nhất định, nhằm thực hiện những công việc, những tác nghiệp cụ thể.
  4. Phần mềm tiện ích là phần mềm nhằm trợ giúp cho người dùng tổ chức, quản lý và duy trì hoạt động của thiết bị số.
  5. Phần mềm công cụ là phần mềm được dùng làm công cụ để cho người phát triển phần mềm sử dụng phát triển các phần mềm khác.
  6. Phần mềm đóng gói là sản phẩm phần mềm hoàn chỉnh, được đăng ký thương hiệu và nhân bản hàng loạt để cung cấp ra thị trường.
  7. Phần mềm sản xuất theo đơn đặt hàng là sản phẩm phần mềm được sản xuất theo các yêu cầu riêng của khách hàng hoặc người sử dụng.
  8. Phần mềm nhúng là sản phẩm phần mềm được nhà sản xuất cài đặt sẵn vào thiết bị số và hoạt động cùng với thiết bị số mà không cần sự kích hoạt của người sử dụng.
  9. Gia công phần mềm là hoạt động trong đó bên nhận gia công thực hiện việc sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phần mềm hoặc thực hiện một số công đoạn để hoàn thành sản phẩm, dịch vụ phần mềm theo yêu cầu của bên thuê gia công.
  10. Dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm.
  11. Sản phẩm nội dung thông tin số là sản phẩm nội dung, thông tin bao gồm văn bản, dữ liệu, hình ảnh, âm thanh được thể hiện dưới dạng số, được lưu giữ, truyền đưa trên môi trường mạng.
  12. Dịch vụ nội dung thông tin số là dịch vụ được cung cấp trên môi trường mạng hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, khai thác, phát hành, nâng cấp, bảo hành, bảo trì sản phẩm nội dung thông tin số và các hoạt động tương tự khác liên quan đến nội dung thông tin số.

------------------------------------- Trích thông tư 16/2014/TT-BTTTT: Quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm

Điều 5.Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm bao gồm 07 công đoạn sau:

1. Xác định yêu cầu, bao gồm một trong những tác nghiệp như: khảo sát yêu cầu của khách hàng, phân tích nghiệp vụ; thu thập, xây dựng yêu cầu; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu.

2. Phân tích và thiết kế, bao gồm một trong những tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu; thiết lập bài toán phát triển; mô hình hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải pháp phần mềm; thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế các đơn vị, mô đun phần mềm.

3. Lập trình, viết mã lệnh, bao gồm một trong những tác nghiệp như: viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun phần mềm; chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh phần mềm; tích hợp các đơn vị phần mềm; tích hợp hệ thống phần mềm.

4. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử chức năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; xác định thỏa mãn yêu cầu khách hàng; nghiệm thu phần mềm.

5. Hoàn thiện, đóng gói phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm; đóng gói phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

6. Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: hướng dẫn cài đặt phần mềm; triển khai cài đặt phần mềm; đào tạo, hướng dẫn người sử dụng; kiểm tra phần mềm sau khi bàn giao; sửa lỗi phần mềm sau bàn giao; hỗ trợ sau bàn giao, bảo hành phần mềm; bảo trì phần mềm.

7. Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: tiếp thị, quảng bá, bán, phân phối sản phẩm phần mềm; phát hành sản phẩm phần mềm.

Điều 6. Xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm

1.  Yêu cầu chung đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất sản phẩm phần mềm:

a) Đối với tổ chức, doanh nghiệp: có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, hoặc văn bản quy định về chức năng nhiệm vụ do người có thẩm quyền cấp. Đối với cá nhân: có mã số thuế cá nhân; có kê khai thuế trong đó ghi rõ phần thu nhập từ hoạt động sản xuất phần mềm;

b) Sản phẩm phần mềm do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất thuộc một trong các loại sản phẩm phần mềm được quy định trong Danh mục sản phẩm phần mềm ban hành theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và đáp ứng quy trình khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đáp ứng được yêu cầu ở Khoản 1 Điều này, và hoạt động đó thuộc một hoặc nhiều trường hợp trong số các trường hợp sau:

a) Hoạt động thuộc một hoặc nhiều công đoạn trong các công đoạn từ 2 đến 4 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều 5 Thông tư này đối với sản phẩm phần mềm nêu tại Điểm b, Khoản 1 Điều này.

b) Hoạt động nêu tại công đoạn 1, công đoạn 5 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 5 Thông tư này, khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó có hoạt động thỏa mãn quy định tại Điểm a, Khoản này đối với cùng một sản phẩm phần mềm.

c) Hoạt động thuộc công đoạn 6 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư này, khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó có các hoạt động thuộc đầy đủ cả 5 công đoạn từ 1 đến 5 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 5 Điều 5 Thông tư này đối với cùng một sản phẩm phần mềm.

Xem thêm về: -Uu đãi đầu tư -Ưu đãi thuế với doanh nghiệp sản xuất phần mềm Nguồn tham khảo: -Trích nghị định 71/2007/NĐ-CP -Trích thông tư 16/2014/TT-BTTTT

Bình luận

Gửi bình luận

Hãy nhập đầy đủ các thông tin yêu cầu trong ô có dấu (*). Không được phép sử dụng mã HTML.

CÔNG TY TNHH Tư Vấn FAMA
Địa chỉ : 196 Vạn Kiếp, Phường 3, Quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
Di động : +84913833357

Đăng ký nhận tin