Vinaora Nivo Slider 3.x

HỢP ĐỒNG “LÀM VIỆC” NÀO PHẢI ĐÓNG BHXH, BHYT, BHTN, THUẾ TNCN?

28-10-2016
Thanh Nam Tax
Luật BHXH
1029

Để giải quyết tận gốc vấn đề trên thì chúng ta cần phải hiểu và phân biệt được HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ (khoán việc, cộng tác viên…).

Lời mở đầu: Trong thực tế hiên nay rất nhiều chủ doanh nghiệp (kể cả nhân viên pháp chế,kế toán, phụ trách nhân sự…) đang phân vân, lo lắng khi ký hợp đồng “làm việc” với cá nhân thì loại hợp đồng nào phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ, nộp thuế TNCN theo lũy tiến hay mức 10%... Và đó là động lực để tôi viết bài chia sẻ theo hiểu biết của mình.  

Phần I: Tư vấn tổng quan chung.

Phần cốt lõi của 1 hợp đồng là nội dung công việc mà ý chí 2 bên mong muốn. Cho nên để hiểu rõ nội dung chính của hợp đồng chúng ta hãy tạm thời loại bỏ trong suy nghĩ các chi tiết như tiêu đề của hợp đồng (HĐLĐ, HĐDV, HĐ khoán việc, cộng tác viên, hợp tác…), thời hạn hợp đồng, thanh toán bằng TM hay CK, thuế TNCN, BHXH, BHYT…. sẽ dễ làm chúng ta rối trí .

Để phân biệt được đâu là HĐLĐ, HĐDV thì chúng ta đứng về 1 bên chẳng hạn là chủ công ty (gọi tắt là A) để bắt đầu tìm ra sự kiện, sự kiện ở đây là nội dung bên trong của thỏa thuận hợp đồng. Khi A ký HĐ với cá nhân làm việc (gọi tắt là Y) thì A có mong muốn Y đến công ty làm việc theo ngày làm việc hay ca sản xuất thông thường tại công ty; có được nghỉ nghỉ ngơi giữa ngày/ca làm việc, nghỉ cuối tuần, nghỉ phép, nghỉ lễ theo quy định chung của công ty hay không? làm công việc chuyên môn theo 1 thời hạn nhất định, thu nhập được trả theo định kỳ tháng/tuần làm việc hay theo 1 mức cơ bản còn lại là khoán năng suất.

Từ đó ta đối chiếu thấy nếu hợp đồng giữa A và Y ký mà theo đó các thỏa thuận chính trong hợp đồng theo các quy định được nêu trong bộ luật lao động thì đó sẽ là HĐLĐ. Còn HĐDV công việc mà A thuê Y thực hiện thường kết thúc trong 1 thời hạn nhất định, ít kéo dài, thời gian, địa điểm, làm việc thường tự do, thù lao thường được trả theo gói gọn giao việc, tính theo sản phẩm, cách thức trả là tạm ứng và tất toán khi xong việc.

Vì vậy đa phần các hợp đồng có tên gọi như HĐ khoán việc, cộng tác viên đều là HĐDV. HĐLĐ thì phải thực hiện tuân theo Luật LĐ, BHXH, BHYT, BHTN và thuế TNCN thường tính theo lũy tiến từng phần. Còn HDDV thì được điều chỉnh bởi luật dân sự, thuế TNCN nếu phải nộp thường theo tỉ lệ 10%.

P/S: - Phần trên bài viết này tôi viết để các bạn có cái nhìn tổng quan, hạn chế sử dụng từ ngữ chuyên môn pháp luật để người không rành luật cũng dễ hiểu. - Khi hiểu được tổng quan trên bạn sẽ có không bị bắt bí khi các cơ quan như BHXH đòi truy thu tiền BHXH đối với các hợp đồng cộng tác viên có thời hạn trên 3 tháng chẳng hạn.

Phần II: Bài tư vấn theo cách của một luật sư mà tôi đã thực hiện vào tháng 5/2015.

- Tóm tắt nội dung vụ việc của công ty A đã gửi mail: Em gửi anh bảng lương sơn sản phẩm cơ khí, anh xem giùm nhé. Em làm HĐLD cho CN sơn sản phẩm cơ khí (SPCK) cũng giống như CN thời vụ bên em làm việc, em đăng ký MST cá nhân cho họ, cuối năm em tổng kết thu nhập rồi báo cáo thì có cần phải 1 tháng chi không quá 2 triệu không.Vì CN làm bên em cũng là thời vụ em vẫn trả lương bình thường.

Anh xem rồi trả lời cho em biết em làm như thế nào tốt nhất cho công ty? Phần trả lời của LS: LS xác định lại yêu cầu cần tư vấn: Loại hợp đồng cho công việc trên. Thuế TNCN sẽ tính như thế nào. Tiền công làm sao phải đưa được vào chi phí xác định thuế TNDN. Có phải tham gia BHXH, BHYT cho thợ sơn sản phẩm cơ khí hay không?

1. Cơ sở pháp lý: Bộ luật lao động 2012. Bộ luật dân sự 2005. Thông tư 111/2013/TT-BTC về thuế TNCN Thông tư 78/2014/TT-BTC về thuế TNDN. Luật BHXH 2006, luật BHYT 2008 và sửa đổi 2014, NĐ 28/2015/NĐ-CP về BHTN.

2. Loại hợp đồng cho công việc trên: Ngày 16/5/2015 qua trao đổi trực tiếp với Cty A để có thêm thông tin thì biết:

- Người trực tiếp sơn SPCK không phải là lao động làm việc thường xuyên tại Cty A, mà đang hành nghề tự do cá nhân nhận dịch vụ nhiều nơi nhưng không có đăng ký kinh doanh.

- Nơi làm việc: Xưởng sản xuất của công ty A.

- Thời gian thực hiện công việc dự kiến khoảng 5 tháng và khi nào có việc thì phụ trách xưởng sẽ thông báo cho người thợ sơn đến làm, làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, không bắt buộc phải đến công ty làm việc theo đúng giờ giấc quy định làm việc hàng ngày. Người thợ sơn làm việc không theo quy định chung về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi; không được nghỉ phép năm, nghỉ ngày lễ, hưởng lương làm thêm giờ…

---> Không điều chỉnh bởi luật lao động nên không phải là hợp đồng lao động mà là loại hợp động dịch vụ được điều chỉnh bởi bộ luật dân sự 2005 (điều 518).

3. Thuế TNCN sẽ tính như thế nào?

Thu nhập của người thợ sơn là thu nhập chịu thuế TNCN cụ thể:

• Khoản thu nhập chịu thuế TNCN có liên quan được quy định tại khoản 2, điều 2, TT111/2013/TT-BTC: “Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm: a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.”

• Xác định thuế TNCN phải nộp đối với trường hợp sơn SPCK: Trích TT111, điều 25, khoản i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác “Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân. Như vậy đối với hợp đồng dịch vụ thuê người sơn SPCK như ở trên khi trả tiền công trên 2 triệu đồng/1 lần chi trả hoặc cộng dồn trong tháng chi trả trên 2 triệu đồng/1người/1tháng thì công ty A phải khấu trừ 10% thuế TNCN trước khi chi trả cho người nhận dịch vụ sơn SPCK.

4. Tiền công làm sao phải đưa được vào chi phí xác định thuế TNDN?

Các khoản chi được tính vào chi phí khi xác định thuế TNDN theo điều 6 TT78/2014 (trừ các khoản được nêu tại khoản 2, điều 6):

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Công việc sơn SPCK thỏa mãn mục a), còn để thỏa mãn mục b) và c) thì phải có hợp đồng dịch vụ, chứng từ ký nhận hoặc chuyển khoản tiền theo số lượng, đơn giá sản phẩm thực hiện.

5. Có phải tham gia BHXH, BHYT cho thợ sơn sản phẩm cơ khí hay không?

Như đã chứng minh ở trên hợp đồng mà cty A ký với người thợ sơn là loại hợp đồng dịch vụ, cho nên người thợ sơn là bên công ứng dịch vụ, không phải là người lao động nên không áp dụng luật BHXH, BHYT, BHTN trong trường hợp này. Vậy công ty A không phải nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người thợ sơn.

P/S - Phần II là tôi muốn nhắn với các bạn khi tiếp nhận thông tin ban đầu thường sẽ không đầy đủ, bạn phải xem xét và đưa ra hàng loạt câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề rồi mới thực hiện tư vấn. Tránh vội vã trả lời dễ đưa ra lời tư vấn sai ảnh hưởng đến cả 2. - Nếu các bạn thấy hữu ích nhờ các bạn chia sẻ trên các group kế toán, diễn đàn, tường nhà FB, web … để nhiều người biết mà không cần trích nguồn, tên tác giả.

- Cám ơn các bạn đã xem, đã chia sẻ. Chúc các bạn thành công trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống. 29/12/2015. Bài viết: FB Người Đưa Đò

Bình luận

Gửi bình luận

Hãy nhập đầy đủ các thông tin yêu cầu trong ô có dấu (*). Không được phép sử dụng mã HTML.

CÔNG TY TNHH Tư Vấn FAMA
Địa chỉ : 196 Vạn Kiếp, Phường 3, Quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
Di động : +84913833357

Đăng ký nhận tin