Vinaora Nivo Slider 3.x

Các nguyên tắc kế toán cơ bản

28-10-2016
Thanh Nam Tax
Luật kế toán
1749

Đại lý thuế Thanh Nam nhắc lại những nguyên tắc kế toán cơ bản theo dạng infographic. Bạn nào làm kế toán chuyên nghiệp cần hiểu rõ những nguyên tắc này.

- Cơ sở dồn tích: Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền.

- Hoạt động liên tục: Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần.

- Giá gốc: Tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc. Giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận.

- Phù hợp: Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó.

-Nhất quán: Các chính sách và phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất ít nhất trong một kỳ kế toán năm.

- Thận trọng: Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi: Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn; Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập; Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí; Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.

- Trọng yếu: Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin  hoặc thiếu chính xác của thông tin đó có thể làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính.  

Thanh Nam

--------------------------------------------------------

  Để hiểu thêm về nguyên tắc "cơ sở dồn tích", mời bạn đọc xem bài viết sau của tác giả Long Phan đăng trên WebketoanFacebook

  Mấy này hôm nay webketoanfacebook có bạn post stt về các nguyên tắc kế toán nhưng chưa thực sự hiểu về các nguyên tắc kế toán cơ bản, đưa dẫn chứng ví dụ chưa phù hợp. Tôi đành mạn phép các admin sẽ tạo các topic chia sẻ về các nguyên tắc kế toán cơ bản nhất. (Lưu ý tôi là người hành nghề chuyên nghiệp, nên các bạn vui lòng đừng vào chém mình là dân thực tế chả quan tâm đến các nguyên tắc này. Kinh nghiệm của tôi cũng như thực tế kế toán cho thấy nếu không hiểu thực sự về các nguyên tắc thì sẽ không trở thành kế toán giỏi được). Nếu bạn muốn làm kế toán thực sự giỏi thì cần phải thực sự hiểu sâu sắc về các nguyên tắc kế toán này. Tôi nhận thấy có nhiều bài viết, thông tin về các nguyên tắc kế toán nhưng thực sự chưa hiểu rõ và sâu.

Thực tế, để hiểu rõ các nguyên tắc kế toán thì không hề dễ dàng chút nào. Mary Barth (Đại học Stanford) từng là thành viên nữ duy nhất trong 14 thành viên của Uỷ ban soạn thảo chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) đã viết một bài cực kỳ ngắn gọn nhưng có cái nhìn cực kỳ "thâm hậu" về các nguyên tắc kế toán. Các nguyên tắc này giúp định hình chuẩn mọi công tác kế toán cho dù phục vụ công tác nộp thuế, lập báo cáo tài chính, thậm chí "sáng tạo" trong kế toán. Vấn đề thứ nhất cần hiểu rõ: Kế toán có 2 giả định cơ bản (Basic Assumptions) và các nguyên tắc kế toán. 2 giả định cơ bản là Cơ sở dồn tích và Hoạt động liên tục.

Xin nhắc lại đây là 2 giả định trong kế toán, có nghĩa là khi làm kế toán thì chúng ta giả định 2 điều này luôn luôn đúng, chứ không hẳn là nguyên tắc. 2 giả định này giống như Tiên đề trong toán học. Trong kế toán, mọi hoạt động đều phải dựa trên 2 giả định này, nếu không sẽ phải làm kế toán theo một cách khác đi. Tôi sẽ đi từng giả định một. Cơ sở dồn tích (Accrual basis): Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền. Giả định Cơ sở dồn tích là tiền đề của nguyên tắc Phù hợp (chúng ta sẽ bàn sau). Giả định Cơ sở dồn tích (ngày xưa dịch trong chuẩn mực kế toán nhiều người không hiểu dồn tích là gì) tạo ra các khoản mục trên bảng cân đối kế toán, như các khoản phải thu, phải trả, nhằm phản ánh trung thực và hợp lý các giao dịch khi các giao dịch đã phát sinh, chưa có sự tham gia của dòng tiền (thu và chi). Đối lập với Cơ sở dồn tích là Cơ sở tiền (thực thu thực chi) (Cash basis). Nếu bạn làm kế toán theo Cơ sở tiền thì khi nào có giao dịch tiền thu và chi thì bạn sẽ ghi nhận thu nhập và chi phí. Từ đó có 2 cách tiếp cận khác nhau trong kế toán. (1) khi bán hàng và mua hàng, bạn sẽ ghi doanh thu và chi phí (giá vốn) tương ứng với công nợ phải thu và phải trả. Khi thu và trả tiền thì sẽ ghi nhận giảm phải thu và phải trả. Phương pháp này gọi là Phương pháp Tài sản/Nợ, tức là tiếp cận trên bảng cân đối kế toán. (2) Khi bán hàng mua hàng và đã có thu - chi tiền thì bạn ghi doanh thu và chi phí. Nhưng để đảm bảo đạt giả định Cơ sở dồn tích, đến cuối kỳ khi lập BCTC, bạn cần xác định đơn vị còn phải thu bao nhiêu, phải trả bao nhiêu để ghi nhận trên BCĐKT. Phương pháp này gọi là Phương pháp Doanh thu/Chi phí, tiếp cận vào BCKQKD. Ví dụ đơn giản cho 2 phương pháp là: Phương pháp hạch toán hàng tồn kho Kê khai thường xuyên sẽ là Phương pháp Tài sản/Nợ. Khi bạn mua hàng về nhập kho, bạn ghi Nợ HTK/Có Phải trả, vì chưa thu tiền. Có nghĩa là bạn có 1 khoản tài sản và một khoản nợ. Phương pháp Kiểm kê định kỳ được coi là phương pháp Doanh thu/Chi phí. Khi bạn Mua hàng thì bạn ghi nhận vào Chi phí (Tài khoản đầu 6). Đến cuối kỳ, bạn kiểm kê và xác định số hàng còn tồn trong kho và kết chuyển sang khoản mục hàng tồn kho (Tài khoản đầu 15). Đây thực chất là 2 cách làm khác nhau của kế toán đang có trong thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu của Giả định Cơ sở dồn tích. Mary Barth nói rằng, báo cáo tài chính trên giả định Cơ sở dồn tích sẽ tạo khả năng phân tích và dự báo (predictive value) cao hơn so với BCTC trên Cơ sở Tiền, mặc dù tính trung thực và hợp lý có thể bị ảnh hưởng bởi các khoản dồn tích. (Các kế toán thường hay cook bằng cách treo doanh thu trên doanh thu nhận trước 3387 hoặc treo chi phí trên chi phí trả trước, tạm ứng,...). Đó là lý do tại sao Cơ sở dồn tích được phổ biến và áp dụng rộng rãi. Nhưng chốt lại Cơ sở dồn tích là một Giả định cơ bản trong kế toán. Cảm ơn các bạn đã đọc một stt dài.   Facebookeer: Long Phan

-----------------------

Để hiểu thêm về nguyên tắc "hoạt động liên tục", mời bạn đọc xem bài viết sau của tác giả Long Phan đăng trên WebketoanFacebook

Giả định cơ bản tiếp theo là Hoạt động liên tục (Going concern). Ít người hành nghề kế toán lại quan tâm đến giả định này (Trừ dân kiểm toán, vì họ phải đánh giá BCTC có được lập trên giả định doanh nghiệp tiếp tục hoạt động hay không, nếu không họ sẽ phải đưa ý kiến kiểm toán). Giả định Hoạt động liên tục: Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình. Ví dụ, tại ngày 15/1/x+1, kế toán đang lập BCTC cho công ty cho năm kết thúc ngày 31/12/X, công ty xảy ra sự kiện cháy hoàn toàn nhà máy duy nhất của công ty đang hoạt động. Sự kiện này có thể tạo ra ảnh hưởng là công ty có thể sẽ không hoạt động trong tương lai gần (có nghĩa là trong 12 tháng kể từ ngày 31/12/X). Nếu khả năng công ty không thể hoạt động tiếp tục trong 12 tháng như trên là chắc chắn, thì kế toán không thể lập BCTC theo cách thông thường bởi vì Giả định Hoạt động liên tục đã bị phá vỡ. Lúc này BCTC có thể được lập dưới dạng tài sản thuần (Tài sản còn lại). Giống như việc quyết toán thuế để đóng cửa công ty. BCTC dạng này được hướng dẫn trong Thông tư 200, đây là lần đầu tiên VN có hướng dẫn dạng này. Có nhiều yếu tố để đánh giá Giả định Hoạt động liên tục có bị vi phạm hay không. Ví dụ: Sự kiện bất thường xảy ra như cháy nổ ở trên; bị gian lận biển thủ mất hết tiền, tài sản; kết quả kinh doanh tồi tệ hay nợ đến hạn quá lớn mất khả năng thanh toán (Xem thử HAGL) mà không có sự hỗ trợ tài chính hay kế hoạch kinh doanh phục hồi,... Người làm kế toán phải đánh giá hết các yếu tố ảnh hưởng đến giả định này khi lập BCTC. Thế nên các bạn đừng cook nhiều quá, cho dù lập báo cáo phục vụ thuế, vì báo cáo này có thể phải gửi ngân hàng hay bên nào đó như đi đấu thầu chẳng hạn, họ sẽ dùng công cụ của họ để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục

------------------------------

Hiểu thêm về nguyên tắc kế toán "Giá gốc". Bài viết của tác giả Long Phan đăng trên WebketoanFacebook

Nguyên tắc đầu tiên được đề cập là Giá gốc (Historical cost) Giá gốc là nguyên tắc cơ bản đầu tiên, nhưng ít bạn để ý đến nó và thực sự hiểu nó. Giá gốc: Tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc. Giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận.

Trong nguyên tắc này khái niệm giá trị hợp lý rất quan trọng. Khái niệm này đã lần đầu tiên được quy định trong Luật kế toán 2015 tại Việt Nam. Hiểu được thì mới đánh giá được scandal kế toán rất hot từ đầu tháng 4/2016 trên thị trường là Eximbank khi họ bán BĐS và tái mua để rồi ghi khống doanh thu và lợi nhuận. Theo nguyên tắc này, các giao dịch sẽ được ghi theo Giá gốc tại thời điểm phát sinh, người ta gọi là ghi nhận ban đầu (Initial measurement). Ví dụ: mua một ô tô về làm TSCĐ, thì tại thời điểm mua ô tô có trạng thái sẵn sàng sử dụng, nguyên giá của ô tô được ghi theo giá gốc, bao gồm giá mua và các chi phí liên quan trực tiếp khác cho đến thời điểm trạng thái sãn sàng sử dụng. Có bạn thắc mắc rằng em mua ô tô toyota trên Vĩnh Phúc, rồi đổ xăng, thuê lái xe lái về HN thì chi phí xăng và thuê lái xe có ghi vào giá gốc không. Xin thưa là không, vì cái ô tô đó ở trên Vĩnh Phúc đã sẵn sàng sử dụng rồi, chứ không cần chờ cái biên bản bàn giao đưa vào sử dụng. (VD này còn liên quan đến một nguyên tắc rất quan trọng trong kế toán là "Bản chất hơn hình thức" sẽ nói trong hội thảo ngày mai). Và sau khi ghi nhận ban đầu theo giá gốc, thì phần lớn các khoản mục trên BCĐKT lại không còn ghi theo giá gốc tại thời điểm lập BCTC nữa. Gọi là ghi nhận Sau ban đầu (Subsequent measurement). Ví dụ: tiền ngoại tệ thì đánh giá lại CLTG chưa thực hiện, HTK thì có thể lập dự phòng nếu giá trị thuần thấp hơn giá gốc, Phải thu thì có thể lập dự phòng nếu khó đòi, ... thậm chí TSCĐ sau này sẽ đánh giá lại. Mary Barth nói rằng, giá gốc là nền tảng cơ bản trong kế toán nhưng khi lập BCTC thì Giá gốc không có ảnh hưởng lớn trong điều kiện hiện nay. Kế toán cần hiểu rõ nguyên tắc này để thực sự có khả năng "sáng tạo" và "tạo ra giá trị" thông qua cung cấp thông tin phù hợp với người sử dụng.

 

---------------------------

Hiểu thêm về nguyên tắc "phù hợp" trong kế toán. Bài viết của tác giả Nguyễn Mạnh Hiền đăng trên WebketoanFacebook

NGUYÊN TẮC PHÙ HỢP TRONG KẾ TOÁN

Một bài viết về các nguyên tắc kế toán gần đây đăng trong nhóm WebketoanFacebook nhận được rất nhiều like và chia sẻ, bàn luận chứng tỏ rằng chủ đề này rất “hot”. Để đổ thêm dầu cho nó “hot” hơn mình xin phép trao đổi về nguyên tắc phù hợp. Để làm cơ sở cho việc hiểu về nguyên tắc phù hợp chúng ta cùng điểm qua về các cách tiếp cận để đo lường và ghi nhận doanh thu/chi phí.   Có hai cách tiếp cận để ghi nhận doanh thu/chi phí:  

1. Cách tiếp cận tài sản/nợ (cách tiếp cận bảng cân đối kế toán): đây là cách tiếp cận của các nhà soạn thảo chuẩn mực trong khoảng hơn 40 năm trở lại đây. Theo cách tiếp cận này thì việc đo lường và báo cáo tài sản/nợ là trọng tâm của kế toán (có nghiên cứu thực chứng gần đây cũng chứng minh rằng Bảng cân đối ngày càng quan trọng hơn trong việc đánh giá công ty). Tài sản/nợ sẽ ghi nhận khi chúng thỏa mãn các điều kiện ghi nhận, và doanh thu/chi phí được ghi nhận là hệ quả của việc ghi nhận tài sản/nợ.  

2. Cách tiếp cận doanh thu/chi phí (cách tiếp cận báo cáo kết quả kinh doanh): là cách tiếp cận của những người làm kế toán và các nhà nghiên cứu trước đây. Theo cách tiếp cận này thì việc xác định doanh thu/chi phí, đặc biệt là thu nhập là trọng tâm của kế toán. Hai nguyên tắc cơ bản cho cách tiếp cận này là nguyên tắc ghi nhận doanh thu và nguyên tắc phù hợp (nguyên tắc ghi nhận chi phí). Khi đó tài sản/nợ là hệ quả của việc ghi nhận doanh thu/chi phí để phản ánh theo cơ sở dồn tích.

Các nhà soạn thảo chuẩn mực lựa chọn cách tiếp cận tài sản/nợ vì cho rằng việc xác định doanh thu/chi phí thông qua ghi nhận tài sản/nợ phải trả có cơ sở vững chắc hơn áp dụng nguyên tắc phù hợp của cách tiếp cận doanh thu/chi phí. Tuy nhiên cũng có nhiều tranh luận và nghiên cứu phản bác lại quan điểm này và cho rằng cách tiếp cận doanh thu/chi phí đem lại các thông tin hữu ích hơn (điển hình là các nghiên cứu của Dichev). Trong chuẩn mực kế toán Việt Nam số 1 (VAS 1) thì nguyên tắc phù hợp được phát biểu như sau: “Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó. Chi phí tương ứng với doanh thu gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu và chi phí của các kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kỳ đó”. Các quy định cụ thể về ghi nhận doanh thu trong VAS 1 như sau: “Doanh thu và thu nhập khác được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khi thu được lợi ích kinh tế trong tương lai có liên quan tới sự gia tăng về tài sản hoặc giảm bớt nợ phải trả và giá trị gia tăng đó phải xác định được một cách đáng tin cậy.”

Như vậy điều kiện ghi nhận doanh thu ở đây áp dụng theo cách tiếp cận tài sản/nợ mà không đề cập đến nguyên tắc phù hợp.   Ghi nhận chi phí trong VAS 1: “44. Chi phí sản xuất, kinh doanh và chi phí khác được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khi các khoản chi phí này làm giảm bớt lợi ích kinh tế trong tương lai có liên quan đến việc giảm bớt tài sản hoặc tăng nợ phải trả và chi phí này phải xác định được một cách đáng tin cậy. 45. Các chi phí được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí. 46. Khi lợi ích kinh tế dự kiến thu được trong nhiều kỳ kế toán có liên quan đến doanh thu và thu nhập khác được xác định một cách gián tiếp thì các chi phí liên quan được ghi nhận trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở phân bổ theo hệ thống hoặc theo tỷ lệ. 47. Một khoản chi phí được ghi nhận ngay vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ khi chi phí đó không đem lại lợi ích kinh tế trong các kỳ sau.” Theo các quy định này thì việc ghi nhận chi phí trên báo cáo kết quả kinh doanh cũng dựa trên cách tiếp cận tài sản/nợ, ghi nhận chi phí là hệ quả của việc ghi nhận tài sản/nợ.

Nguyên tắc phù hợp chỉ được nhắc đến khi khoản chi phí có liên quan trực tiếp đến doanh thu cần được ghi nhận phù hợp với doanh thu (đoạn này VAS 1 dịch tóm tắt quá nên có thể gây hiểu nhầm). Trong đa số các trường hợp thì cách tiếp cận tài sản/nợ hay doanh thu/chi phí đều đưa lại kết quả như nhau. Tuy nhiên trong một số trường hợp (như thuế hoãn lại trong VAS 17/IAS 11, doanh thu trong IFRS 15) thì cách tiếp cận tài sản/nợ giúp giải quyết các vấn đề được rõ ràng và đơn giản hơn.  

Ví dụ dưới đây minh họa cho cách tiếp cận tài sản/nợ và doanh thu/chi phí trong việc ghi nhận chi phí/nợ bảo hành hàng hóa. Công ty A bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2016 và bán các sản phẩm kèm theo điều kiện bảo hành 1 năm. Doanh thu của công ty trong năm 2016 là 10.000.000. Công ty dự kiến chi phí bảo hành cho số hàng đã bán trong năm 2016 là 200.000, trong đó đã phát sinh trong năm 2016 là 60.000 (đã ghi nhận là chi phí), còn lại dự kiến sẽ phát sinh trong năm 2017 là 140.000.

Theo cách tiếp cận doanh thu/chi phí Chi phí bảo hành hàng hóa bán trong năm 2016 là chi phí gắn liền với việc tạo ra doanh thu năm 2016 nên cần được ghi nhận vào chi phí năm 2016. Tổng chi phí bảo hành cần ghi nhận là 200.000. Số đã ghi nhận vào chi phí khi phát sinh là 60.000 nên công ty cần thực hiện trích trước chi phí bảo hành vào chi phí 2016 phần còn lại là 140.000 và làm tăng dự phòng phải trả về bảo hành là 140.000. Như vậy theo cách tiếp cận này thì tập trung vào ghi nhận chi phí, khoản nợ dự phòng phải trả bảo hành là hệ quả của việc ghi nhận chi phí. Theo cách tiếp cận tài sản/nợ Đến cuối 2016 công ty có nghĩa vụ phải thực hiện bảo hành cho các khách hàng đã mua sản phẩm của mình do cam kết bảo hành. Do vậy công ty cần ghi nhận khoản nợ phải trả về bảo hành là 140.000 và ghi tăng chi phí. Khi đó chi phí được ghi nhận là hệ quả của việc ghi nhận nợ phải trả về dự phòng bảo hành. Tổng chi phí bảo hành trong năm 2016 sẽ là 60.000 + 140.000 = 200.000. Qua các phân tích trên mình cho rằng theo các quy định hiện hành của VAS 1 thì nguyên tắc phù hợp không được sử dụng để làm cơ sở ghi nhận doanh thu/chi phí mà VAS 1 sử dụng cách tiếp cận tài sản/nợ. Tuy nhiên trong chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành (VAS 14, 15) và chế độ kế toán Việt Nam (Thông tư 200) thì nguyên tắc phù hợp được thể hiện trong các quy định về việc ghi nhận doanh thu/chi phí. Nguyên tắc phù hợp cũng được sử dụng rất phổ biến trong các quy định của thuế để xác định thu nhập chịu thuế.

---------------------------------------

Xem thêm cách lập báo cáo tài chính tóm tắt bằng file excel

Bình luận

Gửi bình luận

Hãy nhập đầy đủ các thông tin yêu cầu trong ô có dấu (*). Không được phép sử dụng mã HTML.

CÔNG TY TNHH Tư Vấn FAMA
Địa chỉ : 196 Vạn Kiếp, Phường 3, Quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
Di động : +84913833357

Đăng ký nhận tin